The Sword of Doom
Lưỡi Kiếm Diệt Vong (1966)
2 giờ 0 phútNot Rated
- Đạo diễn
- Kihachi Okamoto
- Quốc gia
- Nhật Bản
- Khởi chiếu
- 2/25/1966
The Sword of Doom – Daibosatsu Tōge (Lưỡi Kiếm Diệt Vong), là một bộ phim thuộc thể loại Jidai-geki sản xuất năm 1966 của đạo diễn Kihachi Okamoto, người được xếp vào một trong những đạo diễn bậc thầy của điện ảnh xứ mặt trời mọc. Kịch bản được Shinobu Hashimoto xây dựng dựa trên kiệt tác văn học cùng tên, một đại trường thiên tiểu thuyết võ hiệp của văn hào Nakazato Kaizan, được đăng liên tục trên các báo Miyako, Mainichi, Yomiuri từ năm 1913 đến 1941 gồm 41 quyển và chỉ dừng lại vì tác giả đột ngột qua đời. Tên gốc trong tiếng Nhật của bộ phim cũng như tiểu thuyết là Daibosatsu Tōge có nghĩa là Đèo Đại Bồ Tát, một địa danh có thật ở tỉnh Yamanashi. Hình tượng ngọn đèo ở đây được lấy ra làm một ý nghĩa ẩn dụ ví như ranh giới giữa vô minh và hữu minh, thể hiện thế giới quan của Phật giáo Đại thừa và muốn nhấn mạnh vào nghiệp báo của từng chúng sinh thông qua nhân vật Ryunosuke Tsukue, một võ sĩ vô chủ (ronin) theo chủ nghĩa hư vô.Bối cảnh phim diễn ra vào thời kỳ cuối thời Mạc phủ Tokugawa, xoay quanh một kiếm sĩ vĩ đại bất khả chiến bại Ryunosuke Tsukue (Tatsuya Nakadai), nhưng thực chất là một ronin lạnh lùng, tàn bạo và vô luân, thực sự đáng khinh khi hành động không vì mục đích gì cả, giết người không gớm tay, cả người vô tội không vũ khí. Trong một cuộc đấu so tài không sinh tử đã được sắp đặt phải thua, nhưng vì một người đàn bà mà Tsukue đã ra đòn tàn độc giết chết đối thủ. Bị trục xuất, Ryunosuke trở thành sát thủ cho Shinsengumi, đội quân cảnh sát mật của Mạc phủ, để rồi ngày càng lún sâu vào tà đạo. Thế nhưng núi cao còn núi khác cao hơn. Trong một vụ ám sát bất thành, Ryunosuke đã gặp một kiếm sĩ bậc thầy khác, Shimada Toranosuke (Toshiro Mifune), tình cờ lại là sư phụ của Hyoma Utsuki (Yuzo Kayama), người em trai của đối thủ bị Ryunosuke giết năm xưa đang tầm sư luyện kiếm trả thù cho anh. Tận mắt chứng kiến trình độ kiếm thuật uy vũ hý lộng đất trời của Shimada, sự ngông cuồng của Ryunosuke dần lui xuống nhường chỗ cho nỗi bất ổn đang len lỏi vào tâm can. Tâm tư càng hỗn loạn, Ryunosuke bắt đầu cảm thấy những hồn ma của tất cả những người mình đã giết. Hơn nữa, bị ám ảnh bởi câu nói của Shimada: “Kiếm là linh hồn. Rọi soi linh hồn để biết kiếm. Tâm ma, kiếm ma”, Ryunosuke càng trở nên điên loạn…